1

Quan niệm của người dân ở các quốc gia trên thế giới về mèo như thế nào? Ở các quốc gia khác nhau, người ta lại có những quan niệm, những câu chuyện thần thoại khác nhau về loài mèo.

Mèo trong đời sống văn hóa đại chúng ở các quốc gia - 1
Mèo là một trong những loại thú cưng được con người yêu thích nhất (Ảnh: Luc Viatour/Wikipedia).

Mèo đã sống gần gũi bên con người trong cuộc sống thường nhật từ hàng nghìn năm về trước. Cho tới giờ, mèo vẫn là một trong những loại thú cưng được con người yêu thích nhất.

Kể từ khi con người biết tích trữ lương thực, thực phẩm, con người đã bắt đầu phải tìm cách đối phó với loài chuột. Lúc này, việc nuôi mèo đã trở thành một giải pháp hữu hiệu giúp con người bảo vệ lương thực, thực phẩm tích trữ của mình.

Tại Ai Cập cổ đại, những nghiên cứu khảo cổ cho thấy rằng mèo đã được nuôi trong các gia đình như một loài vật được nể trọng. Lúc này, mối quan hệ giữa người Ai Cập cổ đại và loài mèo có nhiều ý nghĩa đặc biệt, họ rất đề cao loài mèo, thậm chí tôn thờ mèo với niềm tin rằng mèo là loài vật tượng trưng cho những điều thiêng liêng, ý nghĩa, như sự sinh sôi, nảy nở, sức mạnh quyền lực hay lẽ công bằng.

Ở thời này, trong các gia đình quý tộc, khi một con mèo chết đi, nó sẽ được ướp xác và chôn cất cẩn thận. Hình ảnh khắc họa loài mèo cũng xuất hiện trong các lăng mộ, điều này cho thấy ý nghĩa quan trọng, thiêng liêng và tốt đẹp của loài mèo trong tâm thức của người Ai Cập cổ đại. Hình ảnh nữ thần Bastet trong thần thoại Ai Cập cũng thường được khắc họa là một nữ thần có đầu mèo.

Người Ai Cập cổ đại luôn đối xử thật tốt với mèo, không bao giờ làm điều gì gây hại cho mèo. Khi một con mèo nhà chết đi, cả gia đình sẽ cùng… để tang con mèo bằng cách cạo lông mày. Gia đình sẽ đưa xác mèo tới thành phố cổ Bubastis, tại đây, mèo sẽ được thực hiện nghi thức ướp xác và được đem chôn trong nghĩa trang dành cho mèo.

Mèo trong đời sống văn hóa đại chúng ở các quốc gia - 2
Bức tranh sơn dầu “Bữa trưa của chú mèo” được thực hiện bởi nữ họa sĩ người Pháp Marguerite Gérard hồi thế kỷ 19 (Ảnh: Public Domain/Wikipedia).

Những đức tin tốt đẹp của người Ai Cập cổ đại về loài mèo đã có sức ảnh hưởng đối với nhiều nền văn hóa khác.

Cho tới hôm nay, những nền văn hóa khác nhau có những quan niệm khác nhau xung quanh loài mèo. Trong khuôn khổ bài này, chúng ta sẽ chỉ nói tới những đức tin tốt đẹp xung quanh loài mèo ở các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Trong thần thoại Na Uy, nữ thần Freyja biểu trưng cho tình yêu, cho vẻ đẹp, sự sinh sôi, quyền lực, tiền tài… Nữ thần Freyja thường được khắc họa bên cạnh những chú mèo. Trong đời sống dân gian Na Uy khi xưa, người nông dân muốn tìm kiếm sự bảo trợ cho mùa màng của mình thường để những chảo sữa trên cánh đồng. Họ xem đó như một cách để mời gọi những chú mèo phụng sự nữ thần Freyja tới cánh đồng của mình, giúp bảo vệ cho cánh đồng khỏi bị loài chuột phá hoại.

Tại Nga, mèo được xem là một biểu tượng của may mắn. Khi một gia đình chuyển tới nhà mới mà gia đình đó có nuôi mèo, họ sẽ để mèo bước vào nhà đầu tiên, rồi các thành viên trong nhà mới bước theo sau. Điều này được cho là giúp đưa lại may mắn cho gia chủ trong quá trình sinh sống trong ngôi nhà mới.

Mèo trong đời sống văn hóa đại chúng ở các quốc gia - 3
Hình tượng “maneki neko” (chú mèo vẫy tay) biểu trưng cho sự may mắn, phát đạt trong văn hóa đại chúng Nhật Bản (Ảnh: Renaik/Wikipedia).

Tại Nhật Bản, mèo cộc đuôi được xem như biểu tượng của triển vọng tốt đẹp và tương lai hứa hẹn. Hình tượng “maneki neko” (chú mèo vẫy tay) biểu trưng cho sự may mắn, phát đạt. Hình tượng “maneki neko” thường được đặc tả bằng hình ảnh chú mèo cộc đuôi ngồi trên hai chân sau, một chân trước giơ lên cao.

Hình ảnh chú mèo vẫy tay “maneki neko” hiện nay đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới và đều được hiểu rằng đó là một biểu tượng của điềm lành, may mắn, phúc lộc…

Hình ảnh chú mèo vẫy tay có nguồn gốc từ văn hóa dân gian Nhật Bản. Có nhiều câu chuyện lưu truyền lý giải tại sao hình ảnh chú mèo vẫy tay lại được xem là biểu tượng của sự may mắn. Trong đó, có một câu chuyện được biết tới nhiều hơn cả.

Câu chuyện dân gian kể rằng một ngày nọ, một người địa chủ đang đi trên đường thì nhìn thấy một chú mèo nhìn về phía mình và giơ một chân lên, người địa chủ thấy lạ nên bước về phía chú mèo để quan sát cho kỹ hơn, chỉ tích tắc sau đó, một tia sét đánh xuống đúng vị trí mà người địa chủ vừa đứng trước đó. Người địa chủ tin rằng chính chú mèo kia đã cứu mình thoát nạn và kể từ đó, hình ảnh chú mèo vẫy tay bắt đầu được người Nhật Bản tin là biểu tượng của may mắn.

Qua những câu chuyện lưu truyền trong đời sống văn hóa dân gian Nhật Bản về chú mèo vẫy tay biểu trưng cho điềm lành và sự may mắn, người ta thấy toát lên một thông điệp rằng khi con người đối xử tốt với mèo, người đó có thể nhận về may mắn. Người Nhật từ xa xưa đã nhìn nhận mèo như một loài vật mang trong mình ý nghĩa tâm linh.

Tượng mèo vẫy tay biểu trưng cho sự may mắn thường được người Nhật đặt trong các cửa hiệu như một lời nguyện cầu về việc kinh doanh phát đạt, thịnh vượng. Tượng mèo vẫy tay đặt ở lối ra vào của cửa hàng với niềm tin rằng chú mèo đang mời gọi khách bước vào và sẽ giúp cửa hàng đắt khách, kinh doanh phát đạt.

Trong cộng đồng người Hồi giáo, mèo là loài động vật được coi trọng và bảo vệ, họ luôn đối xử với mèo tốt nhất có thể với niềm tin rằng mèo là loài vật hiện diện ở cả hai thế giới: khi con người còn sống và khi đã qua đời, vì vậy, không ai muốn “đắc tội” với mèo để rồi phải chịu sự phán xét khi nằm xuống. Nhìn chung, cộng đồng người Hồi giáo ở khắp nơi trên thế giới đều tin rằng việc đối xử tốt với mèo là một trong những việc thiện nên làm trong đời.

Mèo trong đời sống văn hóa đại chúng ở các quốc gia - 4
Trong dòng tranh dân gian Đông Hồ của người Việt, con mèo được khắc họa trong bức tranh nổi tiếng – “Đám cưới chuột” (Ảnh: Public Domain/Wikipedia).

Tại Việt Nam, mèo là một trong mười hai con giáp, là linh vật đại diện cho năm Mão. Trong nhiều nền văn hóa từ Đông sang Tây, người ta cùng có chung quan niệm về việc mèo có nhiều “mạng”, dù quan niệm về số lượng “mạng” mà mèo có trong các nền văn hóa khác nhau là khác nhau, nhưng quan niệm này đều xuất phát từ sự quan sát loài mèo và nhận thấy rằng mèo có sự mềm dẻo, linh hoạt, nhanh nhẹn khiến chúng có thể thoát ra khỏi những tình huống nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.

Trong võ thuật phương Đông, mèo cũng đem lại nhiều cảm hứng với dáng đi uyển chuyển, bước đi êm nhẹ, giỏi leo trèo, có khả năng nhảy vọt. Mèo còn có những cú cào, tát với hai bộ móng sắc, ra đòn nhanh như chớp. Võ mèo hay miêu quyền mô phỏng theo những nét đặc trưng trong chuyển động của loài mèo.

Võ mèo hay miêu quyền gồm các bài võ, các đòn thế tự vệ – chiến đấu hữu hiệu, đặc biệt phù hợp trong những tình huống đòi hỏi lấy nhu thắng cương, thể hiện đặc tính của mèo, đó là đánh nhanh, rút gọn, có khả năng quan sát – phán đoán tốt, phóng cao, chạy nhanh, xoay chuyển linh hoạt, tinh khôn.

Qua những quan niệm kể trên, có thể thấy rằng loài mèo mang nhiều ý nghĩa biểu trưng tốt đẹp trong các nền văn hóa từ Đông sang Tây. Mèo là loài vật hữu ích cho con người trong đời sống thường ngày. Mèo được gửi gắm những ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh – tinh thần của người dân ở một số quốc gia. Nhìn chung, mèo được con người đánh giá cao bởi sự nhẹ nhàng, uyển chuyển, linh hoạt và cũng rất dữ dội khi cần thiết.

Đăng nhập

Đăng ký

Đặt lại mật khẩu

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email của bạn, bạn sẽ nhận được liên kết để tạo mật khẩu mới qua email.